Nguồn gốc Phượng hoàng (phương Tây)

Người Hy Lạp có thể đã phỏng theo phượng hoàng của người Ai Cập (bennu) (cũng lấy cả nghĩa khác trong tiếng Ai Cập của nó, có nghĩa là cây chà là) và đồng nhất hóa nó với phượng hoàng của chính họ là φοινιξ (phoenix), có nghĩa là màu đỏ tía hay đỏ sẫm. Họ và sau đó là những người La Mã đã mô tả con chim này giống như công hay đại bàng hơn. Theo thần thoại Hy Lạp thì phượng hoàng sống tại Ả Rập bên cạnh một cái giếng. Khi bình minh, nó tắm bằng nước giếng này và thần Mặt Trời là Apollo đã dừng cỗ xe ngựa (tức là Mặt Trời) của mình để nghe tiếng hát của nó.

Một nguồn cảm hứng khác được cho là nguồn gốc của phượng hoàng của người Ai Cập chính là chim hồng hạcĐông Phi. Loài chim này làm tổ trên các bãi cát nhiều muối, nơi quá nóng để trứng của nó hay chim non có thể sống sót; nó xây các gò cao chừng vài chục cm và đủ lớn để nuôi nấng trứng của nó, và sau đó đẻ trứng vào rìa của khu vực mát mẻ hơn này. Các luồng không khí đối lưu xung quanh các gò nhỏ này tương tự như sự nhiễu loạn của ngọn lửa.

Hiện tượng nhật thực toàn phần cũng được coi là một nguồn cảm hứng để dựng lên hình ảnh về chim phượng hoàng thần thoại cũng như của một loạt các chim thần thoại khác mà chúng luôn gắn liền với Mặt Trời. Trong một số nhật thực toàn phần thì nhật quang lại có dạng giống như một con chim, gần như đã tạo cảm hứng cho các biểu tượng mặt trời có cánh của người Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại.